Mô tả
Nội dung hình thành các biểu tượng toán cho trẻ mầm non tại Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây có một số thay đổi. Sự thay đổi này được ghi nhận trong Chương trình Giáo dục mầm non ban hành năm 2009, Chương trình Giáo dục mầm non có điều chỉnh năm 2017 và trong các đợt tập huấn bồi dưỡng hằng năm của Vụ Giáo dục Mầm non, các sở giáo dục mầm non. Sự thay đổi này cũng được ghi nhận trong chương trình đào tạo giáo viên mầm non tại trường Cao đẳng sư phạm Trung ương – Hà Nội.
Ngoài sự đổi mới về nội dung, phương pháp giáo dục ở mầm non cũng đã có nhiều thay đổi. Trong những năm gần đây, quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm đã và đang được vận dụng trong thực tiễn tổ chức các hoạt động chăm sóc – giáo dục trẻ mầm non, trong đó có phương pháp hình thành các biểu tượng toán cho trẻ mầm non.
Phương pháp hình thành các biểu tượng toán cho trẻ mầm non được đánh giá là một nội dung khó trong đào tạo, một nhiệm vụ khó trong thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non đối với các giáo viên tại các trường mầm non, đặc biệt là trong xu thế đổi mới mạnh mẽ của giáo dục mầm non.
Các giáo trình về Phương pháp hình thành các biểu tượng toán cho trẻ mầm non đã được viết từ nhiều năm trước nên phần nào không cập nhật với những đổi mới của Chương trình Giáo dục mầm non cũng như những đổi mới trong chương trình đào tạo Cử nhân sư phạm Giáo dục mầm non (chuyển từ đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ). Vì vậy, giáo trình “Phương pháp hình thành các biểu tượng toán cho trẻ mầm non” được biên soạn nhằm đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn nêu trên.
Giáo trình “Phương pháp hình thành các biểu tượng toán cho trẻ mầm non” do nhóm tác giả biên soạn dựa trên quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm gồm 7 chương:
Chương 1. Đối tượng, nhiệm vụ và phương pháp nghiên cứu bộ môn
Chương 2. Những vấn đề chung của quá trình hình thành các biểu tượng toán cho trẻ mầm non.
Chương 3. Hình thành biểu tượng về tập hợp, con số, phép đếm cho trẻ mầm non
Chương 4. Hình thành các biểu tượng kích thước cho trẻ mầm non
Chương 5. Hình thành các biểu tượng về hình dạng cho trẻ mầm non
Chương 6. Hình thành biểu tượng không gian và sự định hướng trong không gian cho trẻ mầm non.
Chương 7. Hình thành biểu tượng thời gian và sự định hướng thời gian cho trẻ mầm non
Mỗi vấn đề trong các chương đều được trình bày một cách hệ thống từ lí luận đến thực tiễn. Cuối mỗi chương là các câu hỏi và bài tập thực hành nhằm giúp cho người học hệ thống hoá kiến thức và bước đầu hình thành kĩ năng thực hành. Giáo trình được biên soạn chủ yếu nhằm phục vụ đào tạo giáo viên mầm non trình độ Cao đẳng sư phạm, ngoài ra còn có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho sinh viên các trình độ đào tạo khác (Đại học, trung cấp…), các cán bộ quản lí, phụ trách nghiệp vụ cũng như các giáo viên mầm non.
Giáo trình được viết theo tinh thần đổi mới giáo dục mầm non và chương trình khung đào tạo giáo viên mầm non trình độ Cao đẳng mới nhất hiện nay.